Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có tất cả 38 cụm thi liên tỉnh dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH và hơn 60 cụm thi dành cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.
Chưa chốt phương án cuối cùng
Dự kiến các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và TP HCM sẽ có 7 cụm thi tổ chức thi cho học sinh các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, TP HCM và Long An. Bảy cụm thi này do ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Công nghiệp TP HCM chủ trì.
Khu vực ĐBSCL có 6 cụm thi do Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Bạc Liêu và Trường ĐH Tiền Giang, chủ trì.
Tại khu vực miền Trung, các cụm thi sẽ do ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế phối hợp chủ trì. Khu vực Tây Nguyên có 3 cụm thi gồm cụm thi Lâm Đồng, Ninh Thuận (do Trường ĐH Đà Lạt chủ trì), cụm thi Đắk Lắk, Đắk Nông (Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì), cụm thi Gia Lai, Kon Tum (do Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm TP HCM tại Gia Lai chủ trì) và đề xuất thêm cụm thi Bình Định, Phú Yên (Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì).
Tại Hà Nội dự kiến có 8 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và thêm 1 cụm thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.
Bộ GD-ĐT cho hay việc tổ chức thi tại các cụm sẽ giống nhau, mỗi hội đồng thi có một mã số riêng và được thống nhất trong toàn quốc. Dự kiến giữa tháng 3, bộ sẽ công bố chính thức danh sách các cụm thi.
Phải chuẩn bị thật kỹ
TS Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết nhiều năm qua, trường đã tổ chức kỳ thi 3 chung, có năm cao nhất lên đến 47.000 thí sinh tham dự. Năm nay, trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như mọi điều kiện khác để bảo đảm có thể tổ chức thi cho thí sinh của Bình Định và các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum với quy mô 57.000 thí sinh. Hiện tại trường đang chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, đại diện các trường bày tỏ băn khoăn, lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển, di chuyển, bảo mật, con người, cơ sở vật chất... phục vụ cho cụm thi. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có kinh nghiệm tổ chức thi cho số lượng thí sinh lớn như vậy.
Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trường này được giao tổ chức thi cho 25.000 thí sinh của một quận ở Hà Nội và tỉnh Nam Định trong kỳ thi tới, trong khi mới tổ chức thi cho khoảng 19.000 thí sinh. Chuyên gia này cho hay ngoài việc tổ chức thi, coi thi, chấm thi, trường phải lo chỗ ăn ở cho khoảng 4.000 thí sinh, hiện trường mới lo được 3.000 chỗ, số còn lại phải nhờ các trường bạn ở khu vực lân cận. Dù chưa biết số lượng thí sinh dự thi ở cụm mình nhưng trường ĐH này đã lên kế hoạch thuê địa điểm của các trường ĐH trong khu vực như Trường ĐH Xây dựng, Trường Kinh doanh và Công nghệ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Trường cũng lên kế hoạch mời giáo viên các trường thuê địa điểm tham gia chấm thi các môn tự luận song song với giáo viên của trường.
Một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội đánh giá việc tổ chức thi cụm sẽ khiến nhiều trường gặp khó khăn trong tổ chức thi bởi khối lượng công việc quá lớn. “Thí sinh nhiều, lượng hồ sơ chuyển về rất lớn, việc quản lý, chỉnh sửa sai sót ra sao? Không ít trường đã chia sẻ với tôi nỗi lo lắng về nhiều môn thi, cơ cấu phức tạp, lại chỉ thi trong một đợt liên tiếp 4 ngày. Việc in sao đề thi cũng khiến không ít trường mất ăn mất ngủ vì chưa có kinh nghiệm với số lượng lớn như thế. Rồi công tác chấm thi sẽ như thế nào, ai chấm, quản lý ra sao? Chỉ một chút sơ sẩy là ảnh hưởng đến kỳ thi của cả nước nên các cụm thi phải có chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng” - chuyên gia lo lắng.