Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Tại SEA Games 30, TTVN để lại dấu ấn mạnh mẽ khi cả hai đội bóng đá nam nữ cùng lên ngôi vô địch, quần vợt lần đầu tiên có chức vô địch đơn nam sau hơn nửa thế kỷ, điền kinh lần thứ nhì qua mặt cường quốc Thái Lan để nắm giữ vị trí số 1 khu vực, bơi có kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi á quân khu vực, chỉ sau Singapore... Hàng loạt môn thể thao ở nhóm môn cơ bản Olympic lần lượt nằm trong top 3 đã đóng góp công sức quan trọng để lần đầu tiên tại một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài, TTVN vươn lên vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương.
Tại SEA Games 31, Việt Nam dù vẫn chú trọng đến việc đua tranh thành tích nhưng ngay từ đầu đã mạnh mẽ khẳng định không xem đây là mục tiêu hàng đầu, phải giành được bằng mọi giá. Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam cam kết không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic (ước chiếm khoảng 2/3 chương trình thi đấu chính thức) cho đến việc từ chối dùng các nội dung thế mạnh chỉ để tranh chấp huy chương.
Tuy vậy, chỉ sau 5 ngày thi đấu chính thức đầu tiên ở SEA Games 31, tổng số HCV của TTVN đã vượt qua tổng số của cả kỳ SEA Games 30 (98) và đại hội kết thúc với việc đoàn chủ nhà vượt mốc 200 HCV. Việc bỏ xa đoàn Thái Lan xếp thứ nhì hơn 100 HCV là điều khiến ngay cả giới chuyên môn Việt Nam cũng phải bất ngờ.
Không ít số HCV của đoàn chủ nhà đến từ những môn chưa được phổ biến rộng rãi như kurash, pencak silat, wushu… nhưng cũng cần công bằng nhìn nhận, đội tuyển các môn thể thao Olympic đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình, tạo nên một kỳ SEA Games tranh đấu quyết liệt. Ngoài sự "thống trị" tuyệt đối của điền kinh với lần thứ ba liên tiếp vượt mặt Thái Lan, các môn thể dục, judo, rowing, taekwondo, bóng ném, canoeing, vật, bóng đá cùng giữ vị trí số 1; còn bơi, xe đạp, đấu kiếm, boxing, bắn súng, bóng chuyền hay cử tạ đều nằm trong 3 hạng đầu đại hội.
Theo thống kê, TTVN tại SEA Games 31 đã giành tổng cộng 119 HCV ở 17 bộ môn sẽ có mặt tại Olympic Paris 2024, chiếm 58% thành tích "vàng" của cả đoàn. Đây chính là sự khẳng định TTVN đã và đang đi đúng hướng trên hành trình phát triển, làm nền tảng để nghĩ đến những bước tiến vững chắc trong tương lai, đủ tự tin bỏ qua giai đoạn "đi tắt đón đầu" một thời thành công rực rỡ với những loại hình thể thao bản địa song không đủ sức vươn tầm ra sân chơi châu lục.
Ròng rã gần 2 năm trời chỉ tập chay, không được thi đấu cọ xát do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các VĐV Việt Nam vẫn chung tay làm nên kỳ tích và xứng đáng được tôn trọng với tài năng cũng như lòng quả cảm.
Đó thực sự là vốn quý, là tài sản quốc gia mà ngành thể thao phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển. Việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, căn cơ cho từng bộ môn, từng nhân tố xuất sắc để tài năng của họ được cống hiến tận lực cho quốc gia, mang về vinh quang cho màu cờ sắc áo Việt Nam.