Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Rồi cháu lớn và bà già đi, như một lẽ tất yếu của cuộc đời. Cháu không còn bi bô những bài trẻ con ấy nữa. Cháu hát lời tình yêu, cháu nghe rap, hip-hop... Còn bà, đến những vở cải lương, bố cháu cũng không cho bà thức khuya xem nữa! Thì đó cũng là sự đương nhiên của vòng tròn “sinh – lão...”. Duy chỉ có một nghịch lý mà đến giờ cháu mới nhận thấy, hình như càng lớn, càng trưởng thành, cháu càng ít được nghe những bài hát về người bà yêu dấu...
Cháu suýt đã quên mất mình cần hát về bà, phải hát về bà, một phần không thể thiếu để cháu có được ngày hôm nay, cho đến khi cháu nghe Bà tôi của Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê thánh thót hát: “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to”...
Có còn hình ảnh nào diễn tả sự hy sinh của bà thật đến như thế, đẹp đến như thế? Bà và cháu cùng song hành trên con đường nhỏ, nhưng chỉ có mình bà là gánh tất cả nắng, tất cả gió cho cháu có được cái gọi là chở che. Cháu nhớ về căn nhà nhỏ bên con sông lộng gió... Hồi đó, bố mẹ cháu đi làm cả ngày, chỉ còn bà và cháu trong căn nhà quạnh hiu. Cháu có thể chạy chơi khắp xóm, cháu có thể tắm sông thả diều, nhưng chẳng bao giờ cháu rời khỏi ánh mắt của bà được.
Những chiều nhạt nắng, bà cháu mình hay quét lá ngoài sân rồi nhóm lửa đốt, trong khi chờ bố mẹ cháu đi làm về. Cạnh làn khói lắt lay bay lên từ đống lá, bà kể cho cháu nghe những câu chuyện, có cái là cổ tích, có cái là chuyện của bà, có cái là chuyện những người xung quanh. Cháu không nhớ hết được, chỉ biết khi nghe Ngọc Khuê hát: “Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà / Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái / Bà ví lông gà vàng như vườn cải / Ông ví mặt trời như lời mối lái / Ai ví tình yêu như trò nghịch dại”.
Cháu tự dưng muốn khóc. Bà già lắm rồi, bà làm sao có thể dẫn dắt cháu từ câu chuyện cổ tích ngày xưa đến chuyện tình yêu cho ngày cháu trưởng thành. Bà chẳng thể theo cháu cùng trời cuối đất như ngày xưa bà cầm tay cháu đi trên đường làng nhỏ. Nhưng cháu tin bà đã dạy cho cháu được những điều, cần thiết nhất. Bà đã cho cháu thế nào là yêu thương và sự hy sinh...
Cháu về thăm bà, không phải là do “gió cuốn mây trôi”, mà do lòng cháu tự nhiên nhớ bà quay quắt. Bà ngồi trên chiếc xe lăn, không còn đủ minh mẫn kể với cháu một câu chuyện nào, nhưng bà vẫn tinh anh để nhìn cháu bằng cái nhìn không có tuổi, như chính tình yêu thương của bà là cái bất tử của cuộc đời này vậy... “Một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời”...
Càng lớn, người ta càng ít nghe những bài hát về bà. Có đúng không nhỉ? Hay là nước mắt chảy xuôi? Là lẽ nhớ quên đang thử thách lòng người như Nguyễn Vĩnh Tiến viết đấy thôi: “Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta”... Với một tuổi thơ đầy đặn bên bà, cháu không tin là càng lớn người ta càng ít hát về bà và cháu cũng chẳng dám tin một mai, lẽ luân hồi cuộc đời lại viết thành câu hát: “Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to”...