Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Hiện tại chưa có sản phẩm nào trong danh mục này!...
Mỗi khi ai hỏi về đam mê của mình với đàn tranh, cô sinh viên Bùi Thị Ngọc Thoa (ngành truyền thông đa phương tiện Trường Đại học FPT) có thể say sưa kể không biết mệt. Cùng với Thoa, nhiều bạn trẻ khác đã và đang chứng minh rằng âm nhạc dân tộc "cổ mà không cũ" và chính thế hệ của họ sẽ tiếp thêm sức sống mới để những thanh âm ngàn năm mãi ngân vang.
Khám phá và trải nghiệm
Ngọc Thoa đến với nhạc cụ dân tộc ban đầu vì đó là học phần bắt buộc nhưng dần dà đàn tranh đã trở thành một phần cuộc sống của cô. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Ngọc Thoa là lúc vừa tiếp cận bộ môn này thì phải học online vì dịch Covid-19 bùng phát. Cả cô và trò đều cố gắng dạy và học trong điều kiện không thuận lợi mà vẫn bảo đảm chất lượng. Thoa giờ đây đã tự tin biểu diễn trên sân khấu và thể hiện khả năng với mọi người. Cô gái 20 tuổi khẳng định: "Không hối hận khi đầu tư thời gian và tâm huyết học nhạc cụ dân tộc vì những trải nghiệm và ký ức đặc biệt tích lũy được".
Với Phạm Hoàng Phương Thảo (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh), âm nhạc dân tộc là điều gì đó "rất thu hút, huyền bí và trang trọng". Lớn tuổi hơn so với các bạn cùng khóa và chỉ vừa tốt nghiệp ở một ngôi trường khác cách đây không lâu, Thảo đã có giai đoạn học song song 2 chương trình cùng lúc, tuy chật vật để cân bằng thời gian cho mọi việc nhưng Thảo hiếm khi bỏ bê việc tập đàn. Niềm tự hào của cha mẹ và sự quan tâm của mọi người khiến Thảo không cho phép mình đi chậm lại mà ngày càng nỗ lực. Mới đây, Thảo cùng các bạn đã xuất sắc vào chung kết cuộc thi nhạc cụ dân tộc FPT Edu Tích Tịch Tình Tang 2022 và sẽ bay ra Hà Nội tranh tài.
Đặng Lê Minh Quang (sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm) làm quen với sáo trúc từ khi học cấp III. Từ việc tự học qua mạng với những video của nghệ sĩ sáo trúc Mão Mèo và từng bỏ ngang khi không có môi trường để rèn luyện, Minh Quang như "cá gặp nước" lúc vào đại học khi không chỉ quay lại với tình yêu sáo trúc và còn có cơ hội học cơ bản thêm một số nhạc cụ khác.
Điều thú vị là anh trai sinh đôi của Quang - Đặng Lê Hoàng Vinh (sinh viên ngành kinh doanh quốc tế) - cũng cực kỳ thích âm nhạc truyền thống. Những phút giây cùng mặc áo dài song tấu những nhạc điệu đậm đà bản sắc quê hương luôn là dấu ấn thanh xuân đẹp với hai anh em. Hoàng Vinh tâm tình: "Đàn tranh là một trong những nhạc cụ truyền thống có nhiều dây nhất - 17 dây. Để tạo ra âm thanh có chiều sâu cần sự kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật của cả hai tay, làm chủ kỹ thuật rung dây, nhấn nốt, vê, á...Quá trình học đàn không khác gì chinh phục một ngôn ngữ mới nhưng khi quen thuộc rồi thì sẽ gắn bó khó bỏ, âm nhạc với mình lúc này không chỉ là những giai điệu đơn thuần mà chứa đựng bao cảm xúc, "cái hồn" của người chơi nữa".
Kết nối và lan tỏa
Người trẻ không quay lưng với âm nhạc dân tộc song có lẽ họ vẫn chưa có nhiều dịp tìm hiểu, trải nghiệm nên khó thích, khó yêu. Đáng mừng là trong những năm gần đây, bên cạnh các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp thì âm nhạc dân tộc cũng phát triển sôi nổi tại các sân chơi nghệ thuật học đường.
Năng lực của người chơi được nâng cao nhanh chóng nhờ có môi trường giao lưu, học hỏi không ngừng với các thành viên trong câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc của trường. Ngọc Thoa nói: "Thật hạnh phúc khi được truyền "lửa" từ chính giảng viên, bè bạn cũng như có cơ hội biểu diễn, tham gia nhiều cuộc thi".
Việc nhà trường đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, thi tài tạo điều kiện để bạn trẻ có thêm động lực và cơ hội phát huy hết khả năng. "Sinh hoạt trong câu lạc bộ giúp chúng tôi luôn chủ động trong việc tiếp thu và luyện tập với những tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, thứ mà tôi từng nghĩ chỉ thầy cô hay nghệ sĩ lâu năm mới có thể làm được" - Phương Thảo bộc bạch.
Trường Đại học FPT là đơn vị tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy và được công nhận là bộ môn chính thức trong chương trình đào tạo. Nhiều trường THPT tại TP HCM và Hà Nội hiện cũng đẩy mạnh giới thiệu, biểu diễn, tổ chức các sân chơi âm nhạc dân tộc. Nghệ sĩ đàn tranh Vũ Thị Kim Yến (Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống - Phân hiệu Trường Đại học FPT TP HCM) chia sẻ: "Sinh viên sau khi hoàn thành khóa học đã dần thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc đa dạng của Việt Nam. Mỗi năm có thêm hàng ngàn sinh viên biết và sử dụng được nhạc cụ dân tộc. Điều này tạo nên một làn sóng mới, khơi lại phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc trong học đường, giảng viên và nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc cũng cảm thấy mình có chỗ đứng vững chắc hơn trong lòng người yêu nhạc. Tôi mong sinh viên hiểu văn hóa âm nhạc dân tộc, chơi tốt nhạc cụ đã chọn. Những kiến thức và kỹ năng này không chỉ hữu ích và cần thiết cho các em trong hành trình cuộc sống tương lai mà còn góp phần vào ý nghĩa lớn lao: Giữ gìn và lưu truyền âm nhạc truyền thống dân tộc".